Các Ngôi Chùa Ở Thành Phố HCM (Nguồn sưu tầm)

01. Chùa Vĩnh Nghiêm : (nguồn http://vuonhoaphatgiao.com)
Chùa Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa lớn và nổi tiếng của TPHCM. Con đường phía trước chùa từng là nơi ghi dấu trận chiến cuối cùng của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi năm 1964.
Tháp đá chùa Vĩnh Nghiêm được ghi nhận là tháp đá cao nhất và công phu nhất Việt Nam.

Ngoài ra chùa còn được ghi nhận là nơi có tháp đá cao nhất và công phu nhất Việt Nam, với 7 tầng, cao 14 m được khánh thành năm 2003. Tháp được xây dựng với nghệ thuật trổ đá dày đặc, công phu với hoa văn, họa tiết điêu khắc phủ kín... tất cả đều theo phong cách văn hóa Lý - Trần.

Địa chỉ: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Quận 3, TPHCM

02.  Chùa Khải Tường : (nguồn http://vuonhoaphatgiao.com)
Chùa Khải Tường là một ngôi cổ tự, trước đây tọa lạc trên một gò cao tại ấp Tân Lộc, thuộc Gia Định xưa.
Ở vị trí ấy nay là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, số 28, Võ Văn Tần, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Đây có thể được kể là ngôi già lam cổ nhất nhì ở vùng đất ấy, nhưng đã bị phá hủy dưới thời Pháp thuộc.

Lịch sử :

Vào khoảng năm Giáp Ngọ (1844), Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc (1725-1821, là người đem chi phái Lâm Tế dòng đạo Bổn Nguyên vào miền Nam Việt Nam trước tiên), vâng lời thầy theo lớp người lưu dân từ Đồng Nai xuống phía Nam. Trên đường đi, nhà sư gặp một tăng sĩ không rõ họ tên, cùng lứa tuổi và họ đã kết thành huynh đệ. Đến nơi ở mới là làng Tân Lộc (có tư liệu viết là làng Hoạt Lộc hay xóm Chợ Đũi), hai nhà sư cùng khai phá rừng và dựng lên am lá thờ Phật. Vài năm sau, nhà sư vô danh kia tách ra lập am riêng, cách am cũ vài mươi mét, để tiện việc tu hành.

Đến năm Nhâm Thân (1752), Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc tu bổ am lá thành chùa, và đặt tên là chùa Từ Ân, với ngụ ý là “nhờ lòng từ bi và ân huệ của đức Phật mà bá tánh được bình an, tạo được cuộc sống ấm no và hạnh phúc nơi vùng đất mới”. Cũng khoảng thời gian đó, nhà sư vô danh cũng tu bổ am lá (dựng khoảng năm 1844) thành chùa, và đặt tên là chùa Khải Tường, với ngụ ý là “mở rộng phước lành cho bá tánh”. Vì thế khi thực dân Pháp tiến chiếm Gia Định, họ gọi chùa Khải Tường là chùa Trước (pagode Avancée) còn chùa Từ Ân là chùa Sau.

Căn cứ một số tư liệu, thì vào ngày 23 tháng 4 năm Tân Hợi (25 tháng 5 năm 1791), thứ phi Trần Thị Đang (Thuận Thiên Cao Hoàng hậu) sinh Nguyễn Phúc Đảm (về sau là vua Minh Mạng) nơi hậu liêu chùa Khải Tường, khi chúa Nguyễn Phúc Ánh đến đây trốn tránh quân Tây Sơn. Năm 1804, để tạ ơn che chở, vua Gia Long (tức vị chúa trên) đã gửi vào dâng cúng một tượng Phật A-di-đà lớn, ngồi trên tòa sen, cao 2,5 m bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng.

Năm 1832, kỷ niệm nơi cha mẹ ông từng ở, và cũng là nơi sinh ra ông, vua Minh Mạng sai xuất bạc trùng tu chùa, đồng thời cho “mộ sư đến ở, cấp ruộng tự điền” để lo việc lễ tiết hàng năm.

Năm 1858, quân Pháp đánh phá cửa Hàn (Đà Nẵng). Năm sau (1859) lại vào tấn công Gia Định, Pháp chia quân đóng rải rác tại Trường Thi, đền Hiển Trung (pagode aux Mares) và các chùa: Khải Tường (pagode Barbé), Kiểng Phước (pagode des Clochetons), Cây Mai (pagode des Pruniers).

Riêng chùa Khải Tường, Đại úy Thủy quân lục chiến Pháp tên Barbé nhận nhiệm vụ dẫn quân vào chiếm giữ. Barbé cho đem tượng Phật bỏ ngoài sân, cưỡng bức các sư phải rời chùa. Khi ấy, quan Kinh lược Nguyễn Tri Phương được triều đình cử vào Nam lập Đại đồn Chí Hòa chống Pháp, và chiều ngày 7 tháng 12 năm 1860, quân Việt phục kích giết chết Barbé, khi viên sĩ quan này cỡi ngựa đi tuần đêm từ chùa Khải Tường đến đền Hiển Trung (trong vòng thành Ô Ma).

Viên Trung úy Hải quân người Pháp là Léopold Pallu đã sang Sài Gòn tham chiến, sau này kể lại:

“Buổi chiều hôm đó, Đại úy thủy quân Barbet cưỡi ngựa đi tuần tra như thường lệ. Bọn sát nhân rình rập trong một bụi cây…Ông bị đột kích bằng giáo té ngay xuống ngựa. Bọn An Nam liền cắt đầu, bò qua các bụi rậm và cỏ cao trở về giới tuyến cũ của thành Kỳ Hòa. Sáng hôm sau, người ta thấy phần thân thể còn lại (của Barbet) bị kéo bỏ bên vệ đường; con ngựa bị thương nằm bất động kế bên. Người ta kể lại rằng khi cái đầu ông Đại úy đem đến đặt bên khay trầu của vị tướng An Nam, thì ông này liền đếm tiền thưởng mà không nói gì, rồi sau đó mới thốt ra một lời tiếc thương. Đại úy Barbet có thân hình và một sức mạnh lực sĩ, nhiều người An Nam đều biết mặt ông”.

Năm 1867, theo nhà văn Sơn Nam, thì chùa Khải Tường trở thành trường học con trai nhằm đào tạo giáo viên. Năm 1880, chùa Khải Tường bị tháo dỡ, trường dời qua cơ sở mới là trường Chasseloup Laubat xây cất xong khoảng 1877. Khi tháo dỡ, tấm hoành phi “Quốc ân Khải Tường tự” được chuyển về chùa Từ Ân (nay ở đường Tân Hóa, thuộc quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh) cất giữ, còn pho tượng Phật kể trên phải dời đi nhiều nơi, sau cùng được đem trưng bày trong Viện bảo tàng Quốc gia Sài Gòn, nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian sau, trên nền chùa bỏ hoang này, Pháp cho xây cất một dinh thự dành cho quan chức trong bộ máy cai trị. Trước năm 1963, dùng làm Trường Đại học Y dược. Sau khi chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, các tướng lãnh cho các cố vấn quân sự đến trú đóng.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cơ sở trên được dùng làm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Nàng Hai Bến Nghé :

Tên tuổi của chùa Khải Tường cùng viên quan ba Pháp Barbé, còn được loan truyền qua câu chuyện Nàng Hai Bến Nghé. Tương truyền rằng:

Nàng Hai và Tri yêu thương nhau nhưng vì hoàn cảnh éo le nàng phải nhận lấy lãnh binh Sắc làm chồng. Một lần thua trận, Sắc bị quan trên khiển trách, sẵn mang tâm trạng buồn bực, nên khi nghe quân mật báo việc Tri thường có cử chỉ thân mật với vợ mình, Sắc rất ghen tức. Một hôm Sắc cho người giả danh vợ mời Tri tới nhà bàn công việc gắp. Khi hai người gặp nhau, Sắc rời khỏi nơi ẩn nấp bước ra tri hô, ghép họ vào tội lăng loàn và cho lính đóng bè thả trôi sông cả hai người.

Một hai hôm sau viên quan ba Barbé, đóng binh ở chùa Khải Tường đang đi săn, bất ngờ gặp một bè chuối trôi trên đó có một người đàn ông và một người đàn bà. Theo dòng, hai con sấu lớn hung hãn, quẫy đuôi bám riết đuổi theo bè. Barbé liền nổ súng, sấu sợ hãi lặn trốn mất. Khi bè được vớt lên, người con trai tức Tri bị sấu cắn cụt mất một chân, đã chết. Phần người con gái là nàng Hai còn thoi thóp thở. Sau khi được chăm sóc, thấy cô trẻ đẹp nên Barbé ép cô phải chung sống với mình. Nàng Hai ưng thuận với điều kiện là được trở về nhà để thu xếp việc riêng.

Gặp nàng Hai về, Lãnh binh Sắc cho bắt cô với lời cáo buộc: tội thông đồng, mãi dâm với đối phương. Sắc cho giam nàng Hai dưới hố sâu, cho ăn xương cá và cơm hẩm. Thời may Trương Định đi tuần ngang, lệnh cho đem cô lên và nghe hết mọi chuyện oan trái này…

Nơi chùa Khải Tường, hôm đó trời vừa sụp tối, nghe lính canh báo tin có Nàng Hai đến xin gặp. Barbé mừng rỡ phóng ngựa ra đón. Còn cách cô gái chừng mười thước, quân Việt mai phục hai bên đường ào ra. Ngựa bị giáo dài đâm ngã quỵ, hất Barbé ngã xuống và lập tức bị chém chết. Hôm đó là ngày 7 tháng 12 năm 1860.

Hơn hai tháng sau, viện binh của Pháp từ Thượng Hải kéo đến Sài Gòn rầm rộ. Sau vài trận chiến ác liệt, đại đồn Chí Hòa bị hạ. Sau những ngày mịt mù khói lửa ấy, không ai tìm thấy cô gái nơi đâu, chẳng biết sống hay đã chết. Nhưng trong dân gian còn truyền tụng mãi hình ảnh người thiếu phụ bị thả trôi sông và đã góp công chống Pháp.

Hai tác giả người Pháp là Le Vardier và De Maubryan ghi cô tên là Thị Ba, và họ đã kể lại mối tình éo le của cô gái trong tác phẩm “Scènes de la vie Anamite – Khi Hoa” (Nhà xuất bản P.Ollendorff, Paris, 1884). Theo tác phẩm thì Lãnh binh Sất và Thị Ba đều bị chết đạn, khi quân Pháp tấn công vào bản doanh của nghĩa quân.

03. Chùa Hoằng Pháp (TP Hồ Chí Minh) : (nguồn http://vuonhoaphatgiao.com)

Chùa tọa lạc trên một khu đất rộng 6ha tại Thành Ông Năm, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Chùa do Hòa thượng Ngộ Chân Tử sáng lập năm 1957 trên một cánh rừng chồi. Năm 1959, ngôi chùa tường gạch mái ngói chiều ngang 10m, chiều rộng 18m mới được xây dựng, hướng Tây Bắc. Năm 1972, chùa lại được xây nối thêm mặt tiền chánh điện dài 28m. Ngoài công việc tổ chức trùng tu, mở rộng ngôi chùa, Hòa thượng còn thành lập viện Dục Anh vào năm 1968, tiếp nhận 365 em từ 6 tuổi đến 10 tuổi, thất lạc cha mẹ về nuôi dưỡng. Hòa thượng còn nhận nuôi dưỡng các cụ già neo đơn, lo ăn uống, thuốc men, giảng giải giáo lý và lo ma chay khi có cụ qua đời. Hòa thượng viên tịch vào năm 1988 (16 tháng 10 năm Mậu Thìn).
 
Thượng tọa Thích Chân Tính kế tục trụ trì đã cho xây dựng lại chánh điện bị hư hỏng nặng vào năm 1995. Ngôi chánh điện mới có chiều ngang 18m, chiều rộng 42m, kiến trúc theo kiểu chữ "Công". Ngôi chánh điện đã được chùa tổ chức khánh thành trọng thể vào ngày 16-10-1997. Điện Phật tôn trí pho tượng đức Phật Thích Ca ngự trên tòa sen trong tư thế thiền định, chiều cao khoảng 4,5m. Chung quanh vách tường phía trên là 7 bức phù điêu bằng xi-măng minh họa cuộc đời đức Phật từ khi Đản sanh đến lúc Nhập Niết bàn.

Bên phải sân trước chùa có hòn non bộ lớn, cao hơn 10m, rộng 20m do nghệ nhân Đỗ Thanh Tùng thực hiện. Ở đây tôn trí tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao 5m bằng cẩm thạch, nặng hơn 20 tấn. Lễ an vị đã được tổ chức vào ngày 23-11-1999 (16-10 năm Kỷ Mão).

Đêm hội hoa đăng Phật giáo đầu tiên được tổ chức tại chùa, khai mạc vào ngày 02-02-2000 thật hấp dẫn, lôi cuốn hàng ngàn Phật tử, du khách về đây chiêm ngưỡng. Nổi bật trước ngôi bảo điện là đôi song long chầu Phật dài 15m, cao 3m uy nghi hùng dũng, và lồng đèn Thập thiện kết thành hình chữ Vạn trên cổng chùa. Trong sân và vườn chùa có nhiều công trình hoa đăng như đài Liên Hoa chùa Diên Hựu, tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ; vườn Lâm Tỳ Ni ; cặp đèn lồng kép quân ... cùng cả ngàn chiếc lồng đèn Thập thiện tỏa sáng.

Đặc biệt, từ tháng 5 năm 1999, chùa có tổ chức khóa tu Phật thất cho Phật tử tại gia trong 7 ngày đêm (mỗi năm có 6 khóa tu) với pháp tu chuyên niệm Phật A Di Đà, gồm ba cấp công phu :

1. Tín tâm niệm Phật : Công phu tại chánh điện. Niệm Phật kinh hành 15 phút và ngồi niệm Phật 15 phút (niệm ra tiếng).

2. Chuyên tâm niệm Phật : Công phu tại giảng đường lầu 2. Ngồi niệm Phật 30 phút và đi kinh hành 15 phút (niệm thầm).

3. Nhất tâm niệm Phật : Công phu tại giảng đường lầu 2. Ngồi niệm Phật (niệm thầm) từ 1 đến 2 giờ.

Các khóa tu đều có trên một ngàn lượt Phật tử tham dự. Khóa tu từ ngày 13-8 đến ngày 20-8-2006 là khóa 41 có khoảng 2.000 Phật tử tham dự. Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục : Chùa Hoằng Pháp - ngôi chùa tổ chức nhiều khóa tu Phật thất có số lượng Phật tử tham dự đông nhất Việt Nam.

Đêm lễ vía đức Phật A Di Đà ngày 17-11 âm lịch hằng năm là đêm hội hoành tráng và huyền diệu trước cả ngàn ngọn nến lung linh trong tiếng kinh nhạc niệm Phật A Di Đà. Năm 2007, có khoảng 20.000 chư Tăng Ni và Phật tử về dự lễ. Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập một kỷ lục mới : Chùa Hoằng Pháp - ngôi chùa tổ chức Lễ hội hoa đăng kỷ niệm đức Phật A Di Đà lớn nhất Việt Nam.

Đặc biệt, trong chuyến cùng phái đoàn Phật giáo Quốc tế thuộc Tăng thân Làng Mai (Pháp) về thăm Việt Nam ba tháng (từ ngày 12-01-2005 đến ngày 11-4-2005), Thiền sư Nhất Hạnh đã tổ chức khóa tu và thuyết giảng cho hàng ngàn Tăng Ni và Phật tử tại chùa.

Cho đến nay, chùa đã tổ chức Chương trình Phật Pháp nhiệm mầu kỳ 16 ; Chương trình Ánh sáng Phật Pháp kỳ 13 ; Khóa tu Phật thất lần thứ 53 v.v... Phòng phát hành kinh sách của chùa đã tổ chức in sang và phát hành nhiều sách báo, tài liệu, phim ảnh, băng đĩa giới thiệu các hoạt động và các khóa tu tại chùa. Website của chùa : www.chuahoangphap.com.vn có lượng thông tin dồi dào, bài viết phong phú, nhiều hình ảnh đẹp, được sự yêu quý đón đọc của chư tôn đức Tăng Ni, nhiều thiện hữu tri thức, Phật tử và du khách trong và ngoài nước.

04.  Chùa Xá Lợi : (nguồn http://vuonhoaphatgiao.com)
Chùa Xá Lợi không chỉ được biết đến với kiến trúc và cảnh quan tuyệt đẹp mà còn khá nổi tiếng với những dấu chứng lịch sử về cuộc đấu tranh của Phật tử chống lại chế độ độc tài Ngô Đình Diệm kỳ thị và đàn áp tôn giáo.

Tầng cao nhất có treo một đại hồng chuông nặng 2 tấn, với tiếng chuông ngân nổi tiếng, từng được nhiều thế hệ biết đến qua bài vọng cổ "Tiếng chuông chùa Xá Lợi" do soạn giả Viễn Châu sáng tác.

Chùa được xây dựng để thờ xá lợi Phật tổ nên được đặt tên là chùa Xá Lợi. Chùa Xá Lợi là ngôi chùa đầu tiên của thành phố được xây dựng theo lối kiến trúc mới, trên là bái đường, phía dưới là giảng đường.

Chùa nổi tiếng là nơi có tháp chuông cao nhất Việt Nam gồm 7 tầng, cao 32 m, khánh thành năm 1961.

Địa chỉ: 89 Bà Huyện Thanh Quan, P. 7, Q. 3, TPHCM.

05.  Chùa Ấn Quang : (nguồn http://vuonhoaphatgiao.com)

Chùa tọa lạc ở số 243 đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.Vào năm 1948, Hòa thượng Thích Trí Hữu từ chùa Linh Ứng ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) vào lập ngôi chùa nhỏ bằng cây lợp lá, mang tên Ứng Quang.

Đến năm 1950, Hòa thượng Thích Trí Hữu đã giao quyền quản lý ngôi chùa cho Hòa thượng Thích Thiện Hòa để hoằng dương Phật pháp. Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã cho xây dựng ngôi chánh điện theo kiểu chùa Từ Đàm (Huế). Sau đó, Ngài cho xây tăng xá, giảng đường và nhà trù.

Năm 1951, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã vận động các trường Phật học Liên Hải, Mai Sơn, Sùng Đức và Ứng Quang hiệp nhất thành Phật học đường Nam Việt. Chùa Ứng Quang được đổi tên thành Ấn Quang, được chọn làm trụ sở của Phật học đường. Hòa thượng được bầu làm Tổng Giám đốc.

Ngày 14 và 15 tháng 7 năm Quý Tỵ (1953), chùa Ấn Quang tổ chức đại lễ khánh thành.

Năm 1955, Hòa thượng cho xây dãy lầu nhà Tổ và trai đường. Liên tục hai năm sau, Hòa thượng cho xây nhà in Sen Vàng, xưởng nhang Bồ Đề, thư viện, nhà xuất bản, nhà phát hành Hương Đạo. Năm 1959, Ngài cho xây lại dãy lầu giảng đường. Đến năm 1966, chánh điện được tôn tạo. Năm sau, lầu tăng xá, nhà trai được tái thiết. Kiến trúc chùa được xây dựng theo đồ án của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện.

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Chính giữa tôn trí tượng đức Phật Thích Ca Mâu ni (do Phật tử Minh Dung tạc) và tháp Xá Lợi Phật. Phía sau đặt thờ hai tượng Hộ Pháp hai bên. Chùa có tượng Tổ sư Đạt Ma bằng gỗ và bộ tranh sơn mài Quan Âm, Văn Thù, Phổ Hiền do nghệ nhân Trương Văn Thanh (Đại đức Minh Tịnh) thực hiện.

Trong hơn một phần tư thế kỷ, Hòa thượng Thích Thiện Hòa (1907-1978) đã dành trọn tâm trí và công sức để tôn tạo ngôi chùa, mở trường Phật học đào tạo lớp  tăng tài cho Giáo hội. Ngài thế danh Hứa Khắc Lợi, quy y thọ giới với Tổ Bửu Sơn ở chùa Long Triều (Chợ Lớn) năm 15 tuổi, xuất gia tại Phật học đường Lưỡng Xuyên (Trà Vinh) năm 28 tuổi. Năm 1952, Ngài hướng dẫn phái đoàn Giáo hội Tăng già Nam Việt tham dự Đại hội Thống nhất Tăng già Việt Nam tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), được suy cử làm Trị Sự Trưởng Giáo hội Tăng già Toàn quốc. Năm 1965, Ngài được bầu làm Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Tài chánh Kiến thiết Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Năm 1973, Ngài được suy tôn Phó Tăng Thống cho đến ngày viên tịch. Chùa là một trung tâm đào tạo nhiều tăng tài cho Phật giáo Việt Nam hiện đại, là trụ sở của Giáo hội Tăng già Nam Việt, văn phòng Viện Hóa Đạo và Viện Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất trước đây.

Hiện nay, chùa đặt văn phòng 1 Ban Trị sự Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh (văn phòng 2 đặt tại chùa Phổ Quang, quận Tân Bình). Chùa đã tổ chức trùng kiến xây dựng nhà Tổ và tăng xá vào ngày 07-3-2006. Trong khuôn viên chùa có phòng phát hành kinh sách và nhà tang lễ.

Chùa là nơi đón tiếp đông đảo Phật tử, du khách đến sinh hoạt, tham quan, lễ Phật thường xuyên.

06.  Chiêm ngưỡng kiệt tác chùa Bửu Long : (nguồn http://vuonhoaphatgiao.com)
Chùa Bửu Long có tên chính thức thiền viện Tổ Đình Bửu Long nguyên là một tịnh thất, tọa lạc tại số 81 đường Nguyễn Xiển, phường Long Bình, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh.
Chùa có khuôn viên rộng hơn 11 hecta, nằm trên ngọn đồi phía Tây ngạn sông Đồng Nai, trong công viên Lịch sử văn hóa dân tộc.

Chùa thuộc hệ phái Phật giáo nguyên thủy (Nam Tông) do cư sĩ Võ Hà Thuật thành lập năm 1942, đến năm 1958, ông dâng cúng cho thiền sư Hộ Tông, vị tăng thống đầu tiên của Phật giáo nguyên thủy Việt Nam, lập thành thiền viện Bửu Long và ông xuất gia với pháp danh Lão Tâm.

Năm 1961, ngài Narada Mahàthera, Đức tăng thống Phật giáo SriLanKa tặng thiền viện một cây bồ đề chiết từ cây mẹ tại Bồ đề Đạo Tràng Ấn Độ, được đem trồng trong khuôn viên chùa, nay đã được tôn tạo thành Bồ đề Phật Cảnh.

Kiến trúc chùa theo văn hóa Phật giáo cổ đại và liên tục được trùng tu tôn tạo gồm chính điện, tăng xá, trai đường, tăng khách đường, tổ đường, thiền thất của chư tăng, ni viện, ni xá và am thất của tu nữ, tịnh nhân.

Ngoài ra còn có một động khổ hạnh tưởng niệm 6 năm Bồ Tát tu khổ hạnh và một tượng Phật nằm tạc từ đá granite dài 8m, nặng trên 50 tấn, xung quanh trang trí 10 trụ đèn cũng bằng đá granite điêu khắc theo mẫu trụ đá vua Asoka tại các Phật tích Ấn Độ.

Đặc biệt, chùa Bửu Long có bảo tháp Gotama Cetiya thờ xá lợi Đức Phật và Chư Thánh Tăng, rộng trên 2.000 mét vuông, cao 70m, một kiến trúc vừa hoành tráng hiện đại vừa biểu hiện nét cổ kính nhất của nền văn minh Suvannabhumi cổ đại trong vùng Đông Nam Á.

Bảo tháp có quy mô lớn nhất Việt Nam, cao ba tầng với chiều cao 56 mét và bốn tháp xung quang với tên gọi: tháp Đản Sinh, tháp Thành Đạo, tháp Pháp Luân, tháp Niết Bàn. Tháp có tổng sức chứa trên 2.000 người cùng vào tham quan chiêm bái xá lợi Phật.

Chính điện ngày nay được trùng tu từ di tích cũ nơi tổ sư và Đại Đức Lão Tâm để lại, chủ yếu là tôn tạo cho khang trang và tiện nghi hơn nhưng vẫn giữ lại hình dáng như cũ, chỉ thêm phần tiền đường và một vài chi tiết phối hợp giữa kiến trúc Phật giáo Đông Nam Á với kiến trúc triều đại nhà Nguyễn.

Tọa lạc trên một ngọn đồi nên không khí nơi đây mát mẻ quanh năm, kết hợp với khuôn viên rộng rãi, cây xanh phủ bóng làm cho du khách cảm thấy tâm hồn thanh tịnh dịu dàng khi bước chân đến nơi này. Ngước mắt lên bầu trời xanh, ngắm nhìn tòa bảo tháp uy nghiêm lộng lẫy, văng vẳng bên tay là tiếng chuông gió phát ra từ trên đỉnh bảo tháp, một không gian lý tưởng để bạn gột rửa tâm hồn, tìm về chốn bình yên sau bao bộn bề của cuộc sống.

07.  Chùa Vạn Đức : (nguồn http://vuonhoaphatgiao.com)
Chùa Vạn Đức có nguồn gốc từ một ngôi nhà xưa do thí chủ Nguyễn Thị Hương hiến cúng. Sau khi tiếp nhận, Hòa thượng đã xây dựng lại thành chùa và đặt hiệu là “Vạn Đức tự”.
Kể từ đó, chùa được mở rộng vào các năm 1964, 1989, 1993 và từ năm 2003 đến năm 2005, đại trùng tu toàn bộ ngôi chùa, trở nên khang trang như ngày nay.

Chùa nằm trên khu đất rộng, kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên. Kiến trúc chùa bao gồm cổng tam quan, chánh điện và đài Liên hoa. Tam quan xây ba tầng, mái lợp ngói lưu ly màu xanh, trên các đầu đao có gắn hoa văn hình hoa sen cách điệu, nóc gắn hình “lưỡng long chầu Pháp luân”. Qua khỏi tam quan là khoảng sân rộng trồng các loại cây kiểng, bonsai, tạo cảm giác mát mẻ và thanh tịnh. Bên trái sân chùa có cội bồ đề rợp mát. Đối diện cội bồ đề là một ao sen, giữa có đài Liên hoa vọt lên khỏi mặt nước, bên trong tôn trí tượng Quan Thế Âm Bồ tát. Phía sau sân chùa là những hàng cau cảnh và những bụi trúc xanh um, trông giống như một bức tranh thủy mặc sống động…

Chùa Vạn Đức xây bằng vật liệu vĩnh cửu với kỹ thuật hiện đại. Toàn thể ngôi chùa được đúc bằng bê-tông, tường gạch, móng cọc nhồi. Nền chùa và các bệ thờ đều dán đá granit màu xám. Tất cả các cửa và cầu thang đều làm bằng thép trắng. Hoa văn trang trí được đúc bằng xi-măng hoặc kết bằng các mảnh gạch men, vừa mang tính truyền thống nhưng lại tân kỳ.

Tòa chánh điện chùa Vạn Đức cao 43,5m, được xem là ngôi chùa có chánh điện cao nhất hiện nay, nhìn từ xa trông giống như một ngọn tháp chín tầng và hai tháp nhỏ năm tầng nhưng bên trong chỉ có hai tầng chính. Tầng trên là nội điện thờ Phật, có nhiều ô cửa sổ, bên ngoài có lan can, bên trong tôn trí tượng Phật Thích Ca và Tam thế Phật. Xung quanh có bốn lớp lan can giống như những tầng mây trắng, và mỗi vì sao là những ô cửa gió có hình chữ “Phật”.

Hai bên hông lan can là hai cầu thang dẫn lên nội điện. Nổi bật trên nền kiến trúc nội điện là bức phù điêu cội bồ đề và phong cảnh sông Ni Liên Thiền. Bức phù điêu được đắp bằng xi-măng trên vách sau chánh điện, xung quanh có tạc hình các vị thần Hộ pháp. Tầng trệt là giảng đường, dùng làm nơi thuyết pháp cho Phật tử; sát vách giữa thờ Tổ sư Đạt Ma tạc bằng đá cẩm thạch màu trắng toát và linh vị Hòa thượng Thiện Quang (1895-1953), bổn sư của Hòa thượng viện chủ. Phía sau giảng đường là một bích họa vẽ Hòa thượng Trí Tịnh đang ngồi dịch kinh.

Thực hiện công trình độc đáo này, kiến trúc sư Đỗ Thành Phương phải mất thời gian khá dài để hoàn thành bản vẽ, đồng thời phải mất 2 năm với hơn 60 thợ xây mới thực hiện xong phần chánh điện. Có thể nói, chùa Vạn Đức là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Ngoài giá trị về mặt thẩm mỹ, công trình còn là một kiểu mẫu cho nghệ thuật tạo hình trong kiến trúc hiện đại. Đặc biệt, ngôi chánh điện cao nhất nước đã được xác lập kỷ lục Phật giáo Việt Nam…

08.  Chùa Một Cột : (nguồn http://vuonhoaphatgiao.com)
Ngoài Chùa Một Cột cực kì nổi tiếng ở Hà Nội, TPHCM cũng có một nơi tương tự. Đó chính là "Nam Thiên nhất trụ" gọi nôm na là chùa Một Cột ở miền Nam, do hòa thượng Thích Trí Dũng dựng vào năm 1958 và hoàn tất vào năm 1977.

Nam Thiên Nhất Trụ tuân thủ khuôn mẫu Thăng Long nhất trụ (Chùa Một Cột ở Hà Nội) nhưng thấp và nhỏ hơn. Nhìn từ cổng tam quan, Nam Thiên Nhất Trụ được dựng giữa lòng hồ Long Nhãn, với hoa sen dập dìu trên sóng nước, vừa tạo nét gần gũi tinh khiết, vừa tạo nên không gian thanh tịnh.

Ngoài ra, đến đây bạn còn được chiêm bái tượng Đức Địa Tạng nặng 61 kg được đúc bằng kim loại quý.

Địa chỉ: 511 Đặng Văn Bi, P. Bình Thọ, Q. Thủ Đức, TP.HCM.

09.  Chùa Giác Lâm – Ngôi chùa “ lớn tuổi” nhất Sài Gòn :(nguồn http://vuonhoaphatgiao.com)
 Giác Lâm là một trong những ngôi chùa được xây dựng sớm nhất ở đất Gia Định – Sài Gòn còn tồn tại đến ngày nay.
Năm 1744, chùa được cư sĩ Lý Thụy Long, người Minh Hương xây dựng. Trải qua hàng trăm năm, chùa có nhiều tên gọi khác nhau như: Chùa Cẩm Sơn, Sơn Can hay Cẩm Đệm. Ngày nay, Chùa Giác Lâm tọa lạc tại 118 Lạc Long Quân, P.10, Q. Tân Bình, TPHCM.

Kiến trúc chùa Giác Lâm được xem là tiêu biểu cho lối kiến trúc chùa Nam bộ, với mặt bằng tổng thể theo kiểu chữ tam; chính điện là kiểu nhà dân gian truyền thống một gian hai chái, có bốn cột chính gọi là tứ trụ. Chùa nguyên thủy không có cổng tam quan (cổng tam quan được xây dựng năm 1955), mái chùa gồm 4 vạt và các sống mái đều thẳng. Chùa hình chữ nhật, gồm 3 lớp nhà chính: chính điện, giảng đường, nhà trai, không kể các nhà phụ. Năm 2007, khởi công xây dựng khu giảng đường và tăng xá (phía bên phải chùa - theo hướng nhìn từ trong ra).

Chính điện khá rộng và sâu, có nhiều cột to hơn vòng ôm; khắc câu đối, chữ thiếp vàng. Giữa các hàng cột là các cửa võng, chạm trổ các đề tài trang trí truyền thống như cửu long, tứ linh, tứ quý, hoa điểu... sơn thiếp lộng lẫy.

Toàn chùa có 38 tháp, các tháp này được xây dựng đầu thế kỷ XIX, tồn tại đến nay đã gần 200 năm, với kỹ thuật xây dựng tinh vi trong việc dùng chất kết dính bằng hỗn hợp vôi, đường, ô dước... Phong cách nghệ thuật trên các tháp mang yếu tố dung hợp các luồng văn hóa giữa các cộng đồng tộc người đang sống cộng cư ở Nam bộ như Khmer, Việt, Chăm... và phần nào yếu tố phương Tây (Pháp), phương Đông (Trung Quốc, Ấn Độ)...

Chùa hiện lưu giữ 118 pho tượng (106 tượng gỗ, 7 tượng đồng, 5 tượng bằng xi măng), trong đó có 113 pho tượng cổ. Trong các pho tượng cổ có bộ tượng Thập Bát La Hán, bộ tượng Thập Điện, bộ tượng Phật và Tứ Chúng gây được sự chú ý của khách đến chiêm bái nhiều nhất. Riêng bộ tượng Thập Bát La Hán là minh chứng rõ nét nhất cho quá trình phát triển của Phật giáo ở Nam bộ, từ ảnh hưởng nặng nề của phái Lâm Tế ở Trung Quốc, dần xác lập được một dòng phái mới mang đặc điểm dân tộc và hoàn toàn của người Việt.

Chùa Giác Lâm là nơi chứa đựng nhiều tư liệu quý báu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc tôn giáo. Ngày xuân nơi đây đón hàng ngàn khách thập phương và du khách quốc tế đến lễ phật tôn kính và chiêm ngưỡng nét cổ kính uy nghiêm của chùa.

10.  Chùa Long Huê : (nguồn http://vuonhoaphatgiao.com)
 Chùa tọa lạc ở số 131/27 đường Nguyễn Thái Sơn, phường 7, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Theo tấm bảng bằng gỗ do ông Thiện Ngọc khắc ghi vào năm 1912 còn lưu giữ ở chùa, thì chùa do Thiền sư Đạo Thông, người Quảng Nam, vào xã Cai Hạt lập một am nhỏ để tu hành vào năm 1798. Chùa đã được vua Gia Long ban tấm biển “Sắc tứ Long Huê Tự”. Dưới đời Vua Thành Thái, Hòa thượng Từ Huệ đã tổ chức trùng kiến ngôi chùa trang nghiêm.

Chùa ngày trước còn có tên là Ngự tứ Quan Long Tự, Sắc tứ Huệ Long Tự.

Chùa được đại trùng tu vào năm 1966, 1972. Chánh điện được bài trí tôn nghiêm. Ở đây có bộ tượng cổ Di Đà Tam Tôn bằng gỗ và Đại hồng chung nặng hơn 1000kg, cao 1,70m, được đúc ở chùa vào năm 1987. Chùa còn giữ một con dấu bằng ngà, mặt trên có chạm hình kỳ lân, mặt dấu khắc 4 chữ triện “Phật Pháp Tăng Bảo” (1871).

Sách Danh mục tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường Thành phố Hồ Chí Minh của Thành hội Phật giáo TP. HCM (NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, 2001) cho biết chư vị trụ trì tiền nhiệm là Thiền sư Đạo Thông, HT Thích Từ Huệ, TT Thích Bổn Viên. ĐĐ Thích Nhật Hiếu trụ trì hiện nay.

Ngày 23 tháng 2 âm lịch, chùa tổ chức giỗ chư Tổ khai sơn.

Chùa có phòng khám bệnh từ thiện và lớp học tình thương.

Đây là ngôi chùa cổ nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh.

11. Chùa Bà Thiên Hậu : (nguồn http://vi.wikipedia.org)
(theo cách gọi của người Việt) còn được gọi là chùa Bà Chợ Lớn, tên chữ Hán là Thiên Hậu miếu, người Hoa gọi là Phò Miếu (tức miếu Đức Bà). Do bên cạnh chùa có Tuệ Thành Hội quán là nơi quy tụ của nhóm người Hoa Quảng Đông, nên chùa còn được gọi Tuệ Thành Hội quán.

Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất của người Hoa đã gây dựng trên đất Đề Ngạn xưa. Chùa hiện tọa lạc tại số 710 đường Nguyễn Trãi, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài viết liên quan :