Ý Nghĩa lá cờ Phật giáo.

Lá cờ Phật Giáo là biểu tượng của Phật Giáo qua sự hiện hữu của đạo Phật trong cuộc đời này.

Cờ Phật Giáo do Đại tá Henry Steel Olcott (1832-1907), người Hoa Kỳ theo học Phật Pháp cùng với Thượng tọa H. Sumangala, người Tích Lan, đã phỏng theo sáu màu hào quang của Đức Phật để phác họa vào năm 1889. Những màu hào quang của Đức Phật là: xanh, vàng, đỏ, trắng, cam và màu tổng hợp của năm màu vừa kể.

Lá cờ này đã được treo lần đầu tiên tại các chùa Tích Lan vào dịp lễ Phật Đản 1889. Sáu mươi mốt (61) năm sau tại Đại Hội Phật Giáo Thế Giới đầu tiên tổ chức ngày 25 tháng 5 năm 1950 tại thủ đô Colombo, nước Tích Lan, gồm có hai mươi bảy (27) quốc gia hội viên thuộc Á châu, Âu châu và Bắc Mỹ tham dự, đã chính thức công nhận làm cờ Phật Giáo Thế Giới. Hiện nay lá cờ được khoảng tám mươi (80) quốc gia trên thế giới xử dụng trong các ngày lễ Phật Giáo.

Năm màu trên cờ Phật Giáo bao gồm những ý nghĩa sau đây:
*Màu hào quang của Đức Phật:
  - Xanh:  Thiền định
  - Vàng:  Trí tuệ
  - Đỏ:     Tinh tấn
  - Trắng:  Thanh tịnh
  - Cam:  Từ bi
*Ngũ căn và ngũ lực: Ngũ căn là năm pháp môn căn bản mà người tu hành muốn hoàn thiện để tiến đến giác ngộ. Ngũ lực là năm sức mạnh tinh thần làm động cơ thúc đẩy. Ngũ căn và ngũ lực gồm có:
 - Xanh - Định:  Tập trung tư tưởng, định tỉnh tâm hồn.
 - Vàng - Huệ:   Trí hiểu biết phán đoán.
 -  Đỏ       - Tấn:   Sự chuyên cần, tinh tấn.
 - Trắng - Tín:  Lòng tin tưởng.
 - Cam -  Niệm:  Điều suy nghĩ, ghi nhớ.
*Ngũ uẩn hoặc ngũ ấm: Ngũ uẩn là năm yếu tố căn bản để hoàn thành con người. Ngũ uẩn gồm có:
 - Xanh:  Sắc là vật chất gồm đất, nước, gió và lửa, tức là phần cấu tạo nên thể xác.
 - Vàng:  Thọ là cảm giác như các việc vui, buồn, mừng, giận, ghét, thương, việc nhận lảnh, từ chối v.v...
 - Đỏ:  Tưởng là kiến thức về khái niệm.
 - Trắng:  Hành là trạng thái tâm lý, tức là hành động và nghiệp lực song hành với nhau. Ta biết làm điều lành và tâm luôn hướng tới việc thiện thì tự nhiên đời sống nội tâm sẽ được thư thái dễ chịu. Một khi lỡ làm một việc trái với lương tâm ta cảm thấy đau nhói, cắn rứt.
 - Cam:  Thức là năng lực trí tuệ hay ý thức, là phần quan trọng số một đối với người biết thăng tiến cuộc đời mình. Việc nhận thức lệch lạc sẽ dẫn ta đến bờ vực thẳm của thất bại, đau khổ.

Màu tổng hợp tượng trưng cho hòa bình an lạc như một hợp chất duy nhất không thể tách rời được. Tượng trưng cho từng phần của ngũ căn, ngũ lực, ngũ uẩn phải dính liền với nhau thì việc tu tập mới thành công được.

Ngoài ý nghĩa tinh thần ra, màu cờ Phật Giáo còn tiêu biểu cho màu da, chủng tộc của các sắc dân, không phân biệt da vàng, da đen, da trắng, da đỏ v.v... Mà tất cả con người trên thế giới đều là anh em  với  nhau  cùng  tôn  thờ  lý  tưởng Phật Giáo để cùng nhau bắt tay xây dựng và phát triển ngôi nhà chánh pháp của Đức Như Lai.

Lá cờ Phật Giáo Thế Giới được tung bay lần đầu tiên ở Việt Nam tại kỳ Đại Hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức tại Hà Nội năm 1951, cùng lúc bài Phật Kỳ "Phật Giáo Việt Nam" do nhạc sĩ Lê Cao Phan sáng tác, đã đem lại cho người Phật Tử niềm phấn khởi, tin tưởng nơi các đại biểu toàn quốc. Sau kỳ đại hội này làn sinh khí Phật Giáo Việt Nam được hồi sinh sau một thời gian vắng bóng vì hoàn cảnh đất nước.

Lá cờ Phật Giáo Thế Giới được dương cao lên ở bất cứ nơi nào, chứng tỏ rằng ở đó chánh pháp được phát huy và con người thấm nhuần trong giáo lý giải thoát, giác ngộ của đạo Phật vậy.

Nguồn : http://gdptvnac.cluster015.ovh.net

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài viết liên quan :